Trong cuộc đời, hạnh phúc nhất không phải là khi bạn có một cuộc sống giàu sang, không phải là khi địa vị xã hội của bạn được thăng tiến, khi bạn có một người yêu hoàn hảo, mà hạnh phúc nhất là khi bạn có mẹ và còn mẹ để yêu thương. “MẸ” người đã sinh ra ta – nuôi lớn ta – dạy dỗ ta nên người và cho ta thành công như hôm nay. Vì vậy, cuộc sống không thể thiếu MẸ.
Các em thân mến: Ai trong chúng ai ngồi đây, dù già hay trẻ, dù giàu có hay nghèo hèn, ai sinh ra trên đời cũng đều có mẹ. Có ai đó đã từng nói: “Mẹ có thay thế tất cả nhưng không một ai có thể thay thế mẹ”.
Và cuốn sách “Mẹ ơi, con sẽ lại về”, một lần nữa nhắc nhở chúng ta hãy biết quý trọng, dành nhiều thời gian để yêu thương và phụng dưỡng cha mẹ. Đừng để đến khi mất mát ta mới nhận ra những gì mình từng có quý giá đến chừng nào.
“Mẹ ơi, con sẽ lại về” không phải là một tác phẩm văn học mà là nhật kí của một người mẹ. Mẹ Hong Young Nyeo đồng thời cũng là tác giả của cuốn sách. Trong thời gian vừa qua, cùng với “Hãy chăm sóc mẹ” hay “Ngoài kia giông bão lòng mẹ bình yên”, “Mẹ ơi, con sẽ lại về” là một trong số những cuốn sách viết về mẹ được đông đảo bạn đọc yêu thích tại đất nước Hàn Quốc. Và trong năm 2015, nhà xuất bản Văn học phối hợp với Nhã Nam đưa cuốn sách đến gần hơn với bạn đọc Việt Nam. Cũng xin cảm ơn dịch giả Nguyễn Việt Tú Anh là người đã chuyển thể cuốn sách từ phiên bản Tiếng Hàn sang Tiếng Việt để bạn đọc được thưởng thức một cách trọn vẹn nhất. Với 260 trang sách, khổ 19.5x20.5 cm là phần lớn nhật kí của mẹ trong suốt hơn 10 năm cuối của cuộc đời. Qua mỗi phần của cuốn sách, ta như ngày càng hiểu thêm về mẹ Hong Young Nyeo và phần nào bắt gặp hình ảnh người mẹ của chính mình ở trong đó.
Mẹ viết nhật kí khi mới bắt đầu học chữ, khi mẹ đã bước vào tuổi thất thập cho nên nhật kí của mẹ không có ngày tháng, cũng chẳng thứ tự thời gian. Do vậy, khi xuất bản cuốn sách con gái đầu của mẹ Cô Hwang Anna bất đắc dĩ trở thành tác giả thứ hai của cuốn sách, để sắp xếp bố cục sao cho hợp lí. Qua đó, phần nào cô cũng muốn gửi gắm tình cảm, tấm lòng của người con đối với Mẹ. Và cô đã chia cuốn sách thành 5 phần chính:
- Phần 1: Những câu chuyện trái tim hằng muốn nói.
- Phần 2: Con đường tôi phải đi một mình.
- Phần 3: Tất cả đều là bạn.
- Phần 4: Thư gửi sáu chị em.
- Phần 5: Những lời chưa thể nói.
Mở những trang đầu tiên của cuốn sách ta sẽ được đọc những trang nhật kí rất cảm động của mẹ về Munam – đứa con trai đã mất khi mới 9 tháng tuổi. Để mỗi khi nhớ về chuyện đó mẹ chị biết ân hận, nước mắt chảy dài và tự trách chính mình. Có lẽ đó cũng sẽ là nỗi đau theo mẹ đi suốt cuộc đời. Những trang sau đó phần lớn là kỉ niệm của mẹ về quá khứ, khi mẹ còn chưa lấy chồng, rồi cuộc sống vất vả của mẹ khi về nhà chồng, một số chuyện thường nhật xảy ra trong cuộc sống gia đình. Dù không thật sự đặc biệt, không phải những câu văn mùi mẫn, những mỹ từ nhiều nước mắt mà chính là những dòng nhật kí chân thật của một người mẹ đã qua cái tuổi thất thập giúp ta cảm nhận tình thương bao la của người mẹ dành cho con cái. Cũng có những trang mà độc giả bắt gặp hình ảnh thân quen của mẹ như chính là mẹ của chúng ta, đó là khi biết các con về thăm, lúc nào mẹ cũng chuẩn bị sẵn thức ăn, rồi cả phần gói mang về cho chúng nó, những đồ cũ dù không dùng đến nhưng khi nào mẹ cũng giữ lại phòng khi thiếu thốn hoặc để dành cho những người hàng xóm có hoàn cảnh khó khăn chứ không nỡ bỏ đi, từ cái túi nilon, quần áo cũ rồi cả cái tủ lạnh không còn khả năng làm lạnh mà chỉ như là một tủ chứa đồ, mẹ cũng nhất quyết giữ lại. Mẹ cho rằng những thứ ấy vốn đã ở bên mẹ rất lâu, nếu bỏ chúng đi là mẹ sẽ không còn kỉ niệm, không còn cảm thấy thân quen trong chính ngôi nhà của mình. Thêm nữa, từ trước đến nay, cuộc sống vốn nghèo khó nên tính mẹ tiết kiệm, cũng vì lam lũ tiết kiệm nên mẹ mới có thể nuôi 6 chị em lớn khôn kể từ khi người chồng bỏ mẹ mà đi. Còn rất nhiều những đoạn nhật kí về cuộc đời bất hạnh của mẹ xin mời quý bạn đọc tìm đọc chương 1 và chương hai từ trang 21 đến trang 105 để chúng ta có những cảm nhận và những bài học cho riêng mình.
Chương 3, bắt đầu từ trang 107 của cuốn sách. Nói nhiều về tình yêu của mẹ đối với thiên nhiên, những trang nhật kí mẹ tự nhận xét về chính mình. Và cả những triết lí sống của mẹ, một cụ già đã gần 80 tuổi nhưng có những quan điểm mà giới trẻ chúng ta rất cần phải học tập: Như mẹ không thích sống cùng các con không phải vì không yêu thương chúng nó mà vì mẹ nghĩ cho chúng nó nhiều hơn, mẹ sợ mình già rồi khi ăn làm rơi vãi thức ăn, lúc sinh hoạt không được gọn gàng, sạch sẽ lại khổ con cái phải dọn dẹp. Tính mẹ thích tự do, và tự do cũng đồng nghĩa với cô đơn, vì thế muốn tự do thì phải vượt qua được nỗi cô đơn của chính mình, hay quan điểm của mẹ “khi còn trẻ phải trải nghiệm thật nhiều” để khi già không cảm thấy nuối tiếc, hay quan niệm về việc đi học, dù nhà có nghèo đến mấy thì cũng nhất định phải cho con đi học, để các con không phải khổ như mẹ, không được học, không biết chữ là điều rất thiệt thòi, chẳng thế mà dù đã qua cái tuổi 70, mẹ vẫn nhất định học chữ. Và mẹ đã trở thành tấm gương tiêu biểu để động viên khuyến khích tinh thần học tập của các cụ già ở Hàn quốc.
Đặc biệt, những trang viết ở phần IV của cuốn sách mang đậm tính nhật kí, mẹ viết thư cho từng đứa con của mình, những bức thư không gửi. Nhưng ở đó, mẹ gửi gắm những thông điệp cuộc sống vô cùng ý nghĩa. Với mỗi đứa con mẹ đều nhận xét về ưu điểm, khuyết điểm và khuyên răn các con sống sao cho hòa thuận, yên ấm. Sống sao cho đúng đạo làm người: Như khi nghe người khác nói phải nghe bằng cả hai tai đừng nghe tai này mà bỏ lọt qua tai kia, phải biết chia sẻ tình yêu cho người khác hay dù có chuyện gì xảy ra cũng phải hết sức bình tĩnh và chờ đợi, không được vội vàng, hấp tấp. Hãy cẩn thận khi đã thành công, đừng ngủ quên trên chiến thắng hay đời người 60, 70 năm cũng chỉ là một thoáng vì vậy khi còn trẻ hãy biết quý trọng thời gian mà sống cho tốt đừng sống hoài, sống phí….Còn nhiều, nhiều lắm những điều mà mẹ đã chiêm nghiệm suốt cả cuộc đời, mẹ viết ra đây chỉ là giãi bày tấm lòng của mẹ. Nhưng sau này khi các con vô tình phát hiện ra 8 cuốn nhật kí đã quá bất ngờ và xúc động, cũng chính vì vậy họ đã xuất bản cuốn sách “Mẹ ơi, con sẽ lại về” như một món quà dành cho mẹ nhân dịp sinh nhật lần thứ 80.
Phần cuối là giai đoạn mẹ bị tai nạn, kể từ đó mẹ phải nằm một chỗ. Không thể tự đi lại, mọi việc đều phải nhờ con cháu giúp đỡ, có lúc mẹ chỉ muốn chết đi để không còn là gánh nặng. Rồi ngày đó cũng đến, sau 2 năm 8 tháng nằm trên giường bệnh ngày 31.03.2011 mẹ đã ra đi, trước khi ra đi mẹ đã rất cố gắng để chờ đợi 6 đứa con có mặt đông đủ. Trích đoạn trang 244 có viết:
“Khi tôi vào đến phòng bệnh, tất cả các em tôi đều đứng xung quanh mẹ. Tôi tiến đến ghé sát tai mẹ gọi “Mẹ ơi, Con đến rồi! Rồi mẹ nặng nhọc mở mắt ra nhìn tôi. Mẹ lê tiếng “Hơ, …hơ” Mũi và miệng đều đang gắn ống thở, lưỡi mẹ đã cứng lại nên không thể nói được gì. Những âm thanh đó đã trở thành lời đáp cuối cùng mẹ dành cho chúng tôi.”
“Vào cái đêm trước khi mẹ chuẩn bị ra đi, người mẹ 96 tuổi của chúng tôi khóc và gọi tên bà ngoại đã khuất “mẹ ơi, con phải làm sao đây, con đau quá” mà đứa con gái bảy mươi hai tuổi như tôi chỉ biết bất lực đứng nhìn. Mẹ là cái tên mà cả một cụ già chín mươi sáu tuổi cũng tha thiết kiếm tìm. Một nỗi nhớ không bao giờ dứt”.
Có thể nói hình ảnh khép lại của người mẹ trong tâm trí của độc giả với rất nhiều cung bậc cảm xúc. Mẹ luôn luôn suy nghĩ cho con cái kể cả khi cái chết có cận kề .
Những trang cuối cùng là tình cảm của các con dành cho mẹ trong những năm cuối đời, đưa mẹ đi du lịch đây đó, hay mua cho mẹ những bộ quần áo mới, nhưng điều mà một người mẹ cần hơn cả lúc này đó là liều thuốc tinh thần, lúc nào mẹ cũng chỉ muốn được các con ở gần, quan tâm, lắng nghe và chia sẻ. Và giờ đây những người con chỉ ước mong rằng thời gian có thể nào quay trở lại để họ có thể làm cho mẹ những việc ấy sớm hơn thế, nhiều hơn thế chứ không phải khi mẹ đã già, mắt đã mờ, chân đi đã mỏi.
Đó cũng là bài học cho mỗi chúng ta ngồi đây khi còn mẹ. Hãy về bên mẹ ngay khi còn có thể, đừng chờ đến khi con hết bận, đừng chờ đến khi mẹ ốm mới đến thăm. Đừng để mẹ cảm thấy:
“ Cuộc đời như giọt sương trên nhánh cỏ
Như đống lá vàng rụng ngoài sân
Con cái có nhiều đi chăng nữa
Trưởng thành rồi cũng sẽ tung cánh bay đi
Để lại chiếc tổ trống không
Đứng giữa đồng hiu quạnh không người chào đón”.
Khép lại cuốn sách, dù đây là cuốn nhật kí của một người mẹ nước ngoài nhưng tôi nghĩ ai cũng sẽ cảm nhận được hình ảnh một người mẹ gần gũi, thân thuộc như người mẹ của mỗi chúng ta. Và để cuốn sách được gắn liền với chương trình giáo dục , trong chương trình Ngữ Văn THCS cuốn sách cũng là sự minh họa làm phong phú thêm cho các tác phẩm viết về mẹ “Trong lòng mẹ”, “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”.
Các bạn ạ, nếu có ai đó hỏi tôi rằng, người bạn yêu thương nhất trong cuộc đời này là ai? Thì tôi sẽ không ngần ngại mà nói rằng: “Mẹ” và tôi nghĩ rằng tất cả những ai đang có mặt ở đây cũng sẽ có câu trả lời như tôi. Vậy thì hãy biến tình yêu đó thành hành động, hãy làm cho “mẹ” tất cả những gì mà chúng ta có thể ngay lúc này và ngay hôm nay. Một mùa xuân nữa lại sắp về, những người con xa quê như tôi lại sắp được sum họp về với gia đình, với mẹ, với bến đỗ bình yên. Xin được gửi lời kính chúc sức khỏe đến các bà, các mẹ và đại gia đình của các quý vị đại biểu, các thầy cô và các bạn đồng nghiệp. Chúc một mùa xuân mới hạnh phúc, an vui.