Cửa Nhôm TechNal Cách Âm Cách Nhiệt Nhập Khẩu Châu Âu
Cửa Nhôm TechNal Cách Âm Cách Nhiệt Nhập Khẩu Châu Âu

THƯ VIỆN

10 cô gái ngã ba Đồng Lộc
17 Tháng Giêng 2022 :: 10:42 CH :: 583 Views :: 0 Comments :: Giới thiệu sách

"10 cô gái ngã ba Đồng Lộc" kể chuyện về mười cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh trong khi đảm bảo huyết mạch giao thông ở Ngã Ba Đồng Lộc, trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
  
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ, hi sinh nhưng vô cùng oanh liệt, hào hùng của dân tộc ta, Ngã Ba Đồng Lộc (Can Lộc – Hà Tĩnh) đã trở thành một địa chỉ đỏ, một dấu son chói ngời, không thể phai nhạt. Nơi đó, hàng vạn người đã dốc hết nhiệt tình, sức lực, trí tuệ và tuổi trẻ cho “Những mạch máu luôn chảy về tim”. Nơi đó, hàng nghìn bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, lái xe, chiến sĩ công an, dân công, dân quân du kích…đã gửi lại tuổi thanh xuân của mình để thông đường, thông xe ra tiền tuyến, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Chiến tranh đã khép lại hơn 30 năm, Đồng Lộc bây giờ đã trở thành địa chỉ xanh tràn đầy sự sống và là nơi chứa đựng biết bao huyền thoại thiêng liêng, cao cả. Một trong những huyền thoại mà bao thế hệ mãi luôn ghi nhớ, đó là  “Mười cô gái ngã ba Đồng Lộc” thiêng liêng, bất tử cũng là tựa đề của cuốn sách.
“Từ hôm nay, đây sẽ là nơi yên nghỉ, nơi giữ gìn mười cuộc đời đã hy sinh ở tuổi hai mươi, mảnh đất này sẽ mãi là nơi viếng thăm của những người biết ơn Đồng Lộc, tự hào về Ngã Ba Đồng Lộc”. Đó là những lời lẽ rất mộc mạc nhưng cũng rất chân thành mà Nghiêm Văn Tân bắt đầu cho tác phẩm của mình.
 Quả thật, trên đời này có những thứ không cần tiểu thuyết hóa cũng đã đẹp lắm rồi – đó là điều mà người ta dành cho “10 Cô gái Ngã Ba Đồng Lộc”, bởi chỉ cần tái hiện một cách chân thật nhất về mười nữ anh hùng thanh niên xung phong khi ấy cũng đã thật đẹp biết bao, tự hào và cũng đầy xúc động”. Có lẽ cũng chính vì vậy mà tác giả Nghiêm Văn Tân – người cả cuộc đời cầm bút viết văn chỉ có đúng hai tác phẩm, lại chọn thể loại truyện kí để viết cuốn sách. 
         Vâng, có những nhà văn chỉ mất một ngày hay thậm chí một giờ để hoàn thành 1 tác phẩm, nhưng với Nghiêm Văn Tân thì khác, 10 năm, 10 năm quả là khoảng 1 thời gian không ngắn, nhưng  ông cho rằng cái sự 10 năm ấy cũng rất đáng bởi ông được làm một việc rất thiêng liêng, rất có ý nghĩa đó là hoàn thành “Đài hoa tím” chính là tiền thân của “10 Cô gái Ngã Ba Đồng Lộc” bây giờ.
         Chỉ với độ dày 307 trang, khổ 13x19cm, cuốn sách nhỏ được ấn hành bởi nhà bản Phụ nữ, năm 2011, thuộc thể loại truyện kí đã tái hiện một cách chi tiết nhất, chân thực nhất về những người liệt sỹ, những người anh hùng mà Tổ quốc sẽ đời đời ghi ơn. Các chị sẽ mãi là những bông hoa luôn tỏa ngát hương thơm, tô thắm cho cuộc đời.
Nội dung của cuốn sách bao gồm ba phần, trong đó:     
Phần 1: Có tựa đề   “Đài hoa tím”
Phần 2: “Vĩ Thanh”
Phần 3 : “Phụ lục” bao gồm một số bài cảm nhận của độc giả. Bức thư cảm ơn của gia đình liệt sỹ Dương Thị Xuân.
          Phần 1: Với tựa đề   “Đài hoa tím” – Mỗi trang sách cứ hé mở dần về cuộc đời, con người, gia đình cũng như  tính cách riêng của mỗi cô thanh niên xung phong khi họ mới chỉ ở độ tuổi mười tám đôi mươi:  “Chị Võ Thị Tần đội trưởng của tiểu đội A4 có tấm lưng thon khỏe mạnh, phẳng phiu ẩn sau tấm áo thanh niên xung phong bạc màu, xém lửa”. Chị Hồ Thị Cúc (Tiểu đội phó) mồ côi cha, từ nhỏ sống với ông bà và O Cúc mục ngày nào cũng đã lấy chồng từ khi 18 tuổi nhưng rồi vì bệnh tật, người chồng cũng đã bỏ chị mà chết mất xác trên sông Ngàn Phố. Còn O Xuân Vĩnh Lộc (Nguyễn Thị Xuân) có khuôn mặt đoan trang, đôn hậu. Nhất là đôi mắt to đen - đôi mắt của tình yêu chung thủy, của tình bạn chân thành”. Rồi còn Hà, Xanh, Nhỏ, Rạng, Hợi, Hường, Dương Thị Xuân. Các chị đều sinh ra, lớn lên ở mỗi miền quê khác nhau trên mảnh đất Hà Tĩnh anh hùng rồi cùng tập hợp về đây nơi chiến tuyến “Ngã Ba Đồng Lộc” và sống với nhau như những người ruột thịt. Phải chăng có sợi dây vô hình nào đã gắn kết các chị?
          Trích đoạn trang 111, tác giả viết: “Dưới bóng những cây tre còn sót lại, chị em túm năm, tụm ba lấy cơm nắm trong ba lô ra ăn. Không khí nhộn nhịp hẳn lên. Muối vừng trộn lạc bày ra. Một loáng đã hết veo. Chị Tần nhìn quanh khu vườn vắng, trong hàng rào có những cây hoa dẻ xen lẫn hoa chạc chìu, những đốm trắng tinh như hoa mộc, tỏa hương thơm ngát. Chị bỗng thấy xôn xao trong lòng, nhớ những mảnh vườn quê hương. Chị nhặt hòn than, viết lên mảng tường đổ dòng chữ : 12 – 07 – 1968 – A4 – C552 – P18. Đất mẹ thân yêu!”.
Gác lại những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ, tất cả các chị đều bừng sáng lên một ý chí quyết tâm chiến đấu: “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, sẵn sàng  hy sinh tính mạng, tình yêu gia đình, hạnh phúc lứa đôi hoàn thành tuyến đường giao thông huyết mạch đảm bảo thông suốt để chi viện từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. 
            Để rồi vào lúc 16h40p ngày 24 – 07 – 1968, Giây phút ấy, giấy phút ấy trở thành giây phút định mệnh chung cho 10 cô gái của A4, C552:  “Một chùm bom, rồi lại một chùm bom….Một quả bom đen trùi trũi như 1 mũi tên lao thẳng xuống nơi Tần và đồng đội ngồi, trong những chiếc hầm chưa có nắp đang làm dở chiều nay”…. “Cột khói, đất đá thành bụi dâng lên cao, cao mãi… 
          “Bầu trời tối sầm lại. Họ đã mãi mãi ra đi!”
Đồng Lộc ơi! Đời sau còn nhớ mãi!
Những người Anh hùng vượt đạn bom lửa khói 
Để lại cho đời những chiến công vang dội 
Đất nước ngàn năm tươi sáng những mùa xuân.
Rưng rưng lệ, tôi dâng đóa hoa tươi
Nén hương trầm thắp lên từng ngôi mộ
Các O ơi! Đã qua rồi bão tố
Đất nước thanh bình cây trái lại trổ bông.
Tác giả Nghiêm Văn Tân với mong muốn ghi lại thật nhiều, thật nhiều để bạn, tôi và tất cả chúng ta ngồi đây cảm nhận được những ngày tháng bom đạn,  khói lửa đau thương mà đầy hào hùng đã qua của cả dân tộc, để người đọc có thể cảm nhận được hình ảnh các chị trên từng trang sách. Xin mời quý độc giả đọc phần 2 “Vĩ thanh”  từ trang 182 để hiểu được tại sao ông phải mất 10 năm để hoàn thành tác phẩm. Và vì sao ông lại ước mơ vào đúng năm 2018 ông cùng với con cháu của mình được quay trở lại viếng thăm “Đồng Lộc”!
Bên cạnh nội dung chính ở phần 1 và phần 2, chúng ta cũng sẽ tìm thấy trên khắp mọi miền đất nước những bài cảm nhận rất xúc động của độc giả, những tư liệu rất quý trong bài phỏng vấn của phóng viên với tác giả tại phần 3 – Phần “Phụ lục” của cuốn sách . Đọc xong phần này, các bạn cũng sẽ hiểu được tại sao khi vào xin tư liệu tại các gia đình liệt sỹ ông không dám nhận mình là nhà văn mà chỉ là một người đồng đội cũ.
Có thể nói, dù dành một số lượng trang viết không nhiều cho những trận bom dội xuống nơi các chị làm việc nhưng từng trang viết của Nghiêm Văn Tân vẫn rất khốc liệt: khốc liệt không chỉ bởi bom đạn của chiến tranh, không phải vì từng trận bom liên tục trút xuống sát đội hình mà khốc liệt ngay trong mỗi con người sống và chiến đấu tại Ngã Ba Đồng Lộc.Vậy các chị đã làm sao để đừng sợ khi thấy bom rơi? Làm sao để san lấp hố bom ngay khi khói bom còn chưa tan? Làm sao để ra mặt đường khi mà ở đó máy bay của quân thù có thể quan sát được tất cả? Làm sao để các chị có thể xa rời gia đình thương yêu, bạn bè thân thuộc sẵn sàng làm việc ở cái nơi mà danh giới giữa sự sống và cái chết gần như rất mờ nhạt. Và hàng vạn những câu hỏi “Tại sao”, “tại sao” nữa dành cho những con người rất đỗi bình dị mà ý chí và cả hành động của họ thì quả là phi thường. Vậy để có được lời giải đáp cho những câu hỏi ấy, xin mời quý vị và các bạn cùng tìm đọc “10 cô gái ngã ba đồng lộc”. Đặc biệt là trong tháng tư lịch sử này, sự kiện 30/4 ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước thì tác phẩm lại càng có ý nghĩa lớn lao. 
Thư viện trường chúng tôi luôn mở rộng cánh cửa chào đón quý độc giả tìm đọc tại “Ngăn sách số 2 - tủ sách tham khảo Văn học Việt Nam” và bạn cũng có thể tích lũy cho tủ sách riêng của mình thêm phong phú tại tất cả các nhà sách trên toàn quốc.
Còn các em học sinh THCS, trong chương trình Lịch Sử và Ngữ Văn chắc hẳn các em đã được học nhiều tác phẩm về thời kì kháng chiến chống Mỹ oanh liệt và “10 cô gái ngã ba Đồng Lộc” có thể xem là tài liệu minh họa sinh động giúp ích cho các em hiểu thêm về một thế hệ thanh niên xung phong và một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc.
Ngày nay, chiến tranh đã đi qua, những hố bom năm xưa - nay đã vươn lên những mầm xanh và ngã ba Đồng Lộc ngày ấy - bây giờ đã phủ đầy màu xanh tràn đầy sức sống của cây cỏ, hoa lá...Khu di tích lịch sử ngã ba Đồng Lộc được nhân dân và thế hệ trẻ cả nước biết đến, hàng triệu trái tim đã hướng về Đồng lộc, đã đến để thắp hương, dâng hoa cho các anh hùng liệt sĩ và đọc lại những trang lịch sử đau thương nhưng rất đỗi hào hùng của quá khứ để thêm tự hào về truyền thống dân tộc, tự hào về con đường chúng ta đã đi qua!
          Trang sách đã khép lại nhưng hình ảnh mười nữ anh hùng thanh niên xung phong khi năm xưa vẫn luôn hiện hữu trong trái tim độc giả vì lòng dũng cảm tuyệt vời, vì sự hi sinh cao cả cho dân tộc. 10 cô gái – 10 đóa hoa trinh liệt. Các chị đã để lại cho đồng đội và gia đình cũng như  trong trái tim mỗi con người Việt Nam những hình ảnh không bao giờ quên.
        


 
Comments
Hiện tại không có lời bình nào!
  Đăng lời bình

Trong phần này bạn có thể đăng lời bình





Gửi lời bình   Huỷ Bỏ

Các tài liệu khác
TÀI LIỆU

Lượt truy cập

Visits Lượt truy cập:
Các khách hàng Ngày hôm nay: 139
Số thành viên Ngày hôm qua: 202
Tổng Tổng: 273324
Thông tin liên hệ
Liên kết nhanh
Liên kết với chúng tôi
Trường THCS Quang Trung
100 Đường Trần Quang Diệu
c2quangtrung-dd@hanoiedu.vn
024.3857.2465
Tài liệu học tập
Hoạt động nhà trường
Hoạt động công đoàn

TRƯỜNG THCS QUANG TRUNG
Địa chỉ: 100 Đường Trần Quang Diệu
Điện thoại: 024 3857 2465

28 Tháng Ba 2025    Đăng Ký   Đăng Nhập 
Copyright by www.thcsquangtrungdongda.edu.vn | Thỏa Thuận Dịch Vụ | Bảo Vệ Thông Tin