Cửa Nhôm TechNal Cách Âm Cách Nhiệt Nhập Khẩu Châu Âu
Cửa Nhôm TechNal Cách Âm Cách Nhiệt Nhập Khẩu Châu Âu

THƯ VIỆN

Thư tình thời hoa lửa
15 Tháng Giêng 2022 :: 4:05 CH :: 494 Views :: 0 Comments :: Giới thiệu sách

Thư tình thời hoa lửa” là 75 lá thư chàng lính sinh viên Hà Nội Nguyễn Văn Thạc viết cho người bạn gái Phạm Thị Như Anh.

Các em thân mến! Chiến tranh đã qua đi gần nửa thể kỷ, dải đất hình chữ S thân yêu đang thay da đổi thịt và căng tràn sức sống. Nhưng lịch sử vẫn còn đó những trang đau thương dầu vẫn biết khép lại nó là cách tốt nhất để hướng đến tương lai, nhưng thế hệ mai sau không thể quên và làm sao quên được những năm tháng khói lửa ấy. Có đau thương, có mất mát nhưng cũng thật đẹp. Làm nên vẻ đẹp ấy chính là sự hi sinh cao cả của biết bao con người:

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước

Mà lòng phơi phới dậy tương lai

Họ ra đi để lại sau lưng thành phố, quê hương, người thân và cả những mối tình trong sáng. Sự hi sinh ấy của họ đã góp phần làm nên những mùa xuân cho đất nước. Trong những ngày tháng 5 lịch sử này, thư viện Trường THCS Giang Biên muốn gửi tới các em một bức thông điệp của một thế hệ thanh niên yêu nước thời kháng chiến chống Mỹ. Đó là tình yêu đôi lứa hoà quyện với tình yêu đất nước và khát vọng học tập cống hiến cho Tổ quốc. Một trong số họ là liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc – chủ nhân của những lá thư trong cuốn “Thư tình thời hoa lửa” mà cô muốn giới thiệu với các em hôm nay.

Cuốn sách được in trên khổ giấy 16x24cm, dày 303 trang, do nhà xuất bản Giáo dục VN ấn hành năm 2011. Bìa trước của cuốn sách các em sẽ thấy những cánh thư nhoè mực thời gian được lồng vào hình ảnh các anh bộ đội đang hành quân ra tiền tuyến. Và ở bìa sau là những dòng cảm nhận của nhà thơ Bằng Việt về tình yêu đôi lứa của người lính trẻ Nguyễn Văn Thạc. Đáng chú ý là dòng chữ in đậm “Tất cả nhuận bút của cuốn sách này sẽ được Thạc và Như Anh xây dựng quỹ Học bổng Nguyễn Văn Thạc cho các tài năng văn học trẻ VN”- một việc làm đầy nhân văn các em ạ. Ba từ “thời hoa lửa” trên trang bìa sẽ hé mở cho các em thấy cái đẹp của tuổi trẻ, cái ác liệt của chiến tranh và lòng nhiệt huyết của những thanh niên VN đang ngày đêm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Các em thân mến! “Thư tình thời hoa lửa” là 75 lá thư chàng lính sinh viên Hà Nội Nguyễn Văn Thạc viết cho người bạn gái Phạm Thị Như Anh. Cuốn sách được bố cục thành hai phần sắp xếp theo trình tự thời gian. Trong phần I các em sẽ được đến với Mối tình học trò” của Thạc và Như Anh với những kỉ niệm dưới mái trường phổ thông Yên Hoà B – Hà Nội. Đến với phần II là “Những lá thư ở hai đầu xa thẳm”

Các em ạ! Từ tr17 đến tr120 là phần I của cuốn sách đấy, các em sẽ thấy bao cái đẹp, cái mới trong tâm hồn của đôi bạn trẻ được bộc lộ trong những dòng thư chân thật với cách viết gần gũi, giản dị. Tình yêu của họ xuất phát từ lòng khâm phục nhau trong học tập. Họ động viên nhau trước mỗi kì thi, chia sẻ với nhau những cảm xúc về mỗi tác phẩm văn học. Lật giở những lá thư đầu tiên, các em sẽ nhận ra “Thạc yêu văn học, yêu đến mức máu thịt được” và chắc hẳn các em đang thắc mắc: tại sao Thạc lại thi vào khoa Toán - Đại học tổng hợp phải không? Đọc tr28 đến tr30 các em sẽ tự tìm được câu trả lời đấy! Các em thân mến! Thạc và Như Anh tìm thấy sự đồng cảm về lý tưởng sống, sẵn sàng hi sinh tất cả vì Tổ quốc thân yêu.

Các em hãy đọc lá thư ngày 12/5/1971 Thạc viết cho Như Anh lúc 7giờ 30 phút tối khi anh sắp tạm biệt giảng đường ra trận “Như Anh đừng lo khi Thạc đi bộ đội nhé. Thạc như cây phi lao rất dễ rì rào rung động, nhưng ở chỗ nào cũng sống và cao lớn, mạnh khoẻ cả về tâm hồn và trí óc…Thạc đi với ước mơ và lý tưởng, với nghị lực và quyết tâm…với suy nghĩ không đơn giản của Thạc”. Với cách viết cứng cỏi, đanh thép, những dòng thư động viên người ở lại mà như đang giục giã bao lớp sinh viên lên đường. 

Bước vào phần II với những lá thư từ tr121 đến tr297 là cảm xúc của đôi bạn trẻ trong sự xa cách bởi chiến tranh. “Gian khổ, vất vả, chết chóc, hi sinh, tàn phế. Ba từ đầu sẽ đến với Thạc, còn từ sau không biết chọn lấy từ nào”. Họ biết rằng “khả năng trở về là ít ỏi” nhưng vẫn không chút nao núng mà tràn đầy sự lạc quan vì miền Nam ruột thịt, vì Tổ quốc đang lâm nguy, họ sẵn sàng dâng hiến cả cuộc đời.

Các em biết không! Từ lúc ra trận, Thạc gửi gắm lại ước mơ chinh phục đỉnh cao khoa học cho Như Anh - người bạn tri kỉ đang được đất nước cử sang Liên Xô học tập. Trong những trang thư Thạc không khi nào quên động viên Như Anh “Như Anh ngày mai làm tiếp cho Thạc, những điều Thạc còn bỏ dở. Như Anh là ngày mai, là tương lai của Thạc”. Tình yêu tuổi hai mươi của họ luôn gắn với tình yêu quê hương đất nước các em ạ!

Bằng cách trình bày những lá thư như một “dòng ý thức”, tập thư tình như một cuốn tiểu thuyết đi sâu vào nội tâm con người với những bí ẩn của tình yêu mà không hề hư cấu. Những lá thư luôn thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc rất chân thực trong cuộc sống của người lính. Cô tin rằng các em sẽ có những suy ngẫm về tình yêu của thế hệ mình với tình yêu của những lớp người đi trước tuổi mới đôi mươi.

Trong lá thư ngày 30/4/1971 Thạc viết cho Như Anh “Như Anh hứa với Thạc đi, 30/4/1975 bốn năm sau dù chúng ta có thể giận, ghét nhau đến đâu đi nữa, dù thế nào cũng sẽ viết cho nhau những dòng chữ: Hạnh phúc là gì?”. Phải chăng linh cảm của Thạc như một lời tiên tri về ngày đất nước được độc lập, miền Nam được giải phóng, họ được gặp nhau để nói bao điều còn ấp ủ. Và Như Anh đã hình dung được những dòng chữ ấy. Các em muốn biết câu trả lời Như Anh dành cho Thạc là gì không? Cô mời các em tìm đọc tại trang 43 của cuốn sách.

        Thế nhưng lời hẹn gặp lại vào ngày 30/4/1975 ấy đã không thể trở thành hiện thực. Câu trả lời “Hạnh phúc là gì?” Thạc chưa kịp viết bởi anh đã mãi mãi nằm xuống bên bờ sông Thạch Hãn ở cái tuổi 20 đẹp đẽ. Anh đã dũng cảm nhận về mình cái chết để đồng đội được sống và trong những giây phút cuối cùng ấy “Cái tên Như Anh đã vĩnh viễn theo Thạc”. Anh lặng lẽ ra đi, mang theo một nhiệt huyết cách mạng, một mối tình trong sáng và cả những hoài bão còn còn dang dở. Chiến tranh đã cướp đi một người con của quê hương, làng xóm, một tri thức trẻ của Tổ quốc ra đi không hẹn ngày về. Đất nước được độc lập nhưng niềm vui chiến thắng vẫn không thể xoá nhoà được những đau thương, mất mát. Thạc và Như Anh mãi mãi không thể gặp nhau, họ không thể cùng nắm tay đi hết những mơ ước của tuổi trẻ. 

Vậy đấy các em ạ! Chiến tranh đã lùi xa, nhưng 33 năm sau điều kì diệu lại đến! Như Anh đã nhận lại được lá thư cuối cùng của Thạc sau một thời gian dài thất lạc. Điều gì đã khiến những cánh thư mỏng manh ấy có đủ sức mạnh để sống mãi với thời gian? Điều gì đã khiến Như Anh quyết định công bố những lá thư tình sau 33 năm giữ kín? Các em có muốn biết không? Cô xin dành lại cho các em tìm hiểu trong những trang cuối của cuốn sách.

Các em thân mến! Cô đã may mắn được trò chuyện với cô Như Anh tại chính căn nhà số 72 Nguyễn Du đầy kỉ niệm của hai người trước khi cô Như Anh lên máy bay trở về CHLB Đức. Các em hãy cùng hướng lên màn hình lắng nghe cô Như Anh nhắn nhủ với chúng ta điều gì nhé! Trong buổi gặp gỡ đó, cô Như Anh đã tặng cô cuốn sách này, cô rất trân trọng, nâng niu và cô đã tặng lại cho thư viện để nhiều bạn cùng được đọc đấy. Các em ạ! chúng ta may mắn được sống trong hoà bình, không bị xa cách bởi chiến tranh, đọc những trang thư của anh Thạc các em sẽ được truyền ngọn lửa đam mê văn học và hãy cầm bút thể hiện suy nghĩ, tình cảm của chính các em vào những trang giấy.

Cảm nhận tình yêu của Thạc và Như Anh, cô hi vọng các em cũng sẽ có được một tình bạn, tình yêu đẹp đẽ, trong sáng, thôi thúc nhau vươn lên trong học tập và trở thành người có ích cho xã hội. Ngoài cuốn sách này, các em có thể tìm đọc những cuốn sách cùng chủ đề như cuốn Mãi mãi tuổi 20, Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, Những lá thư thời chiến Việt Nam và rất nhiều cuốn sách hay khác nữa trên giá sách tại thư viện nhà trường. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã từng viết:

Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt

Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời

Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ rực

     Chúng ta yêu nhau cháy bỏng làm người.

Những câu thơ đó như một lời kết khép lại buổi giới thiệu sách hôm nay. “Thư tình thời hoa lửa” đang đợi các em khám phá. Thư viện trường THCS Giang Biên đang chờ đón các em!

       Vâng! Thông điệp mà tôi muốn gửi đến quý vị đại biểu, các thầy cô giáo và các em học sinh thông qua cuốn sách “Thư tình thời hoa lửa” đó là niềm tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước và tình yêu đôi lứa hòa chung trong tình yêu Tổ quốc bất diệt. Chúng ta đã, đang và sẽ cống hiến hết tài năng, trí tuệ của mình cho quê hương đất nước như Thạc và Như Anh. Hãy sống và làm việc sao cho xứng đáng với những hi sinh của thệ hệ trước, hãy chứng minh: TA LÀ NGƯỜI VIỆT NAM!

       Xin trân trọng cảm ơn quý vị đại biểu, các thầy cô giáo và các em học sinh đã chú ý lắng nghe!


 
Comments
Hiện tại không có lời bình nào!
  Đăng lời bình

Trong phần này bạn có thể đăng lời bình





Gửi lời bình   Huỷ Bỏ

Các tài liệu khác
TÀI LIỆU

Lượt truy cập

Visits Lượt truy cập:
Các khách hàng Ngày hôm nay: 281
Số thành viên Ngày hôm qua: 246
Tổng Tổng: 282346
Thông tin liên hệ
Liên kết nhanh
Liên kết với chúng tôi
Trường THCS Quang Trung
100 Đường Trần Quang Diệu
c2quangtrung-dd@hanoiedu.vn
024.3857.2465
Tài liệu học tập
Hoạt động nhà trường
Hoạt động công đoàn

TRƯỜNG THCS QUANG TRUNG
Địa chỉ: 100 Đường Trần Quang Diệu
Điện thoại: 024 3857 2465

02 Tháng Năm 2025    Đăng Ký   Đăng Nhập 
Copyright by www.thcsquangtrungdongda.edu.vn | Thỏa Thuận Dịch Vụ | Bảo Vệ Thông Tin